Mình sẽ viết một loạt bài về chủ đề xây dựng thói quen. Và đây là bài đầu tiên.
Chiều nay mình chở gia đình đi quận Nhất du xuân, nào là hội hoa xuân Tao Đàn, đường hoa Nguyễn Huệ, vòng qua nhà thờ Đức Bà, bưu điện thành phố. Ăn uống xong về tới nhà cũng khá trễ rồi. Nhưng đang trong mạch chạy bộ mỗi ngày, nên dù 9h mình vẫn xỏ giày vào chạy. Mình đang ở trạng thái nếu bỏ một buổi chạy sẽ thấy khó chịu rất nhiều, và rất háo hức 'được' xỏ giày vào chạy.
Thật ra chạy bộ là phương tiện để mình xây dựng thói quen rèn luyện và cân bằng cuộc sống. Khiến cuộc sống phong phú, đa sắc màu, có nhiều niềm vui. Chủ đề này mình sẽ viết ở một bài khác cho đầy đủ, và tránh cho bài này bị lan man.
Do hôm nay chạy lúc tối trời, ánh sáng không được no đủ cho lắm nên tự nhiên bớt nhìn quanh, mà chỉ nhìn vào mấy mét trước mắt. Công viên mình chạy cạnh bờ sông, xung quanh còn nhiều khoảng đất trống cỏ mọc um tùm, lỡ có chú em rắn nào chạy ngang đường mà mình đạp lên nó, rồi một đứa vào khoa chấn thương chỉnh hình vì vẹo xương sống, đứa còn lại vào khoa chấn thương ngộ độc vì bị tiêm nước bọt vào máu thì không đứa nào vui hết. 🥲
Khi không nhìn quanh nữa thì tâm tự động nhìn vô trong. Nhìn là cách nói, thật ra là quan sát & cảm nhận những gì đang diễn ra trên thân: nhịp chạy, nhịp thở, tư thế, tốc độ thích hợp. Một khi đã cảm nhận rõ những yếu tố đó, thân và tâm sẽ tự động điều chỉnh đến một trạng thái mà mình tự gọi là "vào dòng" (hay "nhập" cho bạn nào thích xem phim ma 😆).
Một trạng thái mang lại cảm giác cơ thể gần như tự trôi đi một cách nhẹ nhàng, ít tốn sức, thoải mái và tạo ra một sự lắng yên trên cả thân tâm trong lúc đang chạy. Thân và tâm lúc đó phối hợp rất nhịp nhàng, cùng hướng về một thứ: là bước chạy ngay trong hiện tại, ít lăng xăng nghĩ về cái này cái kia, quá khứ hay vị lai.
Cảm giác trên dễ chịu và khoan khoái lắm à nha.Khi chạy đến 4km mặc dù vẫn có thể chạy tiếp 1-2km nữa, nhưng mình quyết định dừng lại.
Thêm 1-2km là việc làm được ngay, nhưng mình phải ráng và gồng trong vài trăm mét cuối. Lúc này cả cơ thể và tinh thần sẽ chuyển qua một trạng thái khác là gắng gượng và mệt mỏi. Việc này thì không vui tí nào.
Khi dừng ở 4km lúc cơ thể và tâm trí còn đang hưng phấn và tràn đầy năng lượng, việc dừng lại mang ý nghĩa khóa trạng thái tích cực vào trí nhớ của thân và tâm. Để ngày mai khi sắp đến giờ chạy bộ, thân và tâm sẽ nhớ về trạng thái tích cực kia, và nó lại muốn tiếp tục chạy bộ để được tận hưởng phần thưởng là cảm giác hưng phấn và tràn đầy năng lượng đó.
Chốt lại trạng thái tích cực của buổi tập ngày hôm nay là cách để sự mong muốn luyện tập tự động diễn ra cho ngày hôm sau. Lúc này mình không cần phải tạo động lực cho bản thân. Cũng không cần tới nghị lực. Mình làm vì sự vui thích và mong muốn được tận hưởng tiếp cảm giác tốt đẹp tích cực.
Khi làm theo kiểu ở trên, mình đang đi theo xu hướng mang tính bản năng của con người là lánh nặng tìm nhẹ, tránh né cảm giác khó chịu và đi tìm cảm giác dễ chịu.
Thời gian đầu hình thành một thói quen, không cần chống cự với xu hướng vô cùng mạnh mẽ trên làm gì. Trong quá khứ, mình sử dụng nghị lực ngày 1, ngày 2, ngày 10, thậm chí là 3 tháng. Nhưng mình không thể sử dụng nghị lực ngày này qua tháng nọ được. Việc tự tạo động lực hoặc ép mình bằng ý chí là một việc làm vô cùng mệt mỏi. Chống lại bản năng là một việc làm tiêu tốn rất nhiều năng lượng, năng lượng còn lại để thực hiện thói quen chúng ta muốn thực hiện còn có bao nhiêu đâu. Nhìn chung chúng ta có thể tự ép mình trong một thời gian ngắn, nhưng không thể bền lâu được.
Con người vốn thích vui. Cái gì mang lại niềm vui thì làm được lâu bền. Cái gì mà cứ phải đấu tranh tâm lý mới làm được thì được ngày một ngày hai rồi sớm muộn gì cũng chấm dứt.
Do đó, để một thói quen có cơ hội nảy mầm và sống sót, thời gian đầu thói quen đó phải vui, hấp dẫn, có phần thưởng tức thời, mang lại cảm giác dễ chịu và thỏa mãn ngay lập tức.
Mình đang dựa vào chính đặc điểm thích cảm giác dễ chịu và ghét cảm giác khó chịu để xây dựng một thói quen (tích cực) mới. Nên nương theo dòng chảy của bản năng mà bơi, chứ đừng cố bơi ngược dòng thời gian đầu làm gì. Trong quá khứ, đã rất nhiều lần mình sẽ cố bơi được một đoạn, nhưng hầu hết là sẽ chìm ngỉm sau vài mươi mét vì quá mệt mỏi.
Thời gian đầu của một thói quen, chúng ta cần tập trung vào việc hình thành thói quen, chứ không phải là thành tích.
Tập trung vào hình thành thói quen có nghĩa là đến giờ là xỏ giày vào. Ra chạy 5 phút hoặc 50m hoặc 100m rồi nghỉ cũng được. Không sao cả. Việc này sẽ không tạo áp lực, không tạo sự căng thẳng mệt mỏi của cả thân và tâm. Chúng ta chỉ đang thêm một việc làm mới lạ, thú vị vào cuộc sống hằng ngày của mình. Và việc này mang lại trải nghiệm tích cực nào đó. Vậy là đủ. Thời gian đầu không phải là lúc để ý tới thành tích.
Chúng ta không thể cải thiện trên thứ chưa có. Tức là không thể cải thiện quãng đường, tốc độ chạy khi chưa có thói quen chạy bộ.
Với kinh nghiệm qua nhiều lần rèn thói quen chạy bộ của mình, cứ tập luyện đều đặn, rồi tự nhiên sức bền, tốc độ, quãng đường, thời gian tự động được cải thiện. Vấn đề chỉ là cải thiện bao nhiêu, còn cải thiện thì chắc chắn xảy ra mà không cần phải cố gắng.
Chìa khóa của sự tiến bộ bền vững là sự đều đặn từ ngày này qua tháng nọ, chứ không phải là sự gắng sức trong một giai đoạn ngắn rồi thôi.
Đến khi thói quen chạy bộ đã trở nên vững chắc, nghĩa là chúng ta tự động thực hiện thói quen mà không cần phải nghĩ, đó là thời điểm thích hợp để bước vào giai đoạn tiếp theo: cải thiện thành tích.
Thời gian đầu có chạy 50m, 100m, 5 phút 10 phút thì có sao đâu, cũng đáng quý mà.
Câu chuyện không phải là chúng ta làm được bao nhiêu, mà chúng ta ĐÃ HÀNH ĐỘNG.
Mỗi hành động là một viên gạch để xây dựng thói quen, và cũng là một viên gạch để xây nên con người chúng ta muốn trở thành.
Như vậy 5 phút chạy bộ lúc bắt đầu chưa đủ quý giá hay sao?