Can đảm đặt xuống những điều tốt đẹp

Can đảm đặt xuống những điều tốt đẹp

Chỉ giữ lại những thứ giúp bản thân tiếp tục phát triển. Những điều giúp chúng ta có động lực đi về phía trước.
11 Th08 2023 10 phút đọc

Có khi nào bạn đặt những mục tiêu tốt đẹp cho mình vào đầu năm mới, nhiệt huyết làm được một vài tuần, rồi nhiệt huyết cứ vơi dần, hành động thưa dần. Sau 2 tháng, bạn bỏ cuộc. Mọi thứ lại đâu vào đấy.

Có phải bạn đặt mục tiêu theo kiểu này, hoặc na ná như này không:

1. Tài chính: tiết kiệm được xx triệu
2. Sức khỏe: xx kg, 6 múi, vòng eo 58. Chạy bộ được xx km/tháng
3. Mối quan hệ: xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với xx người
4. Tinh thần: hành thiền đều đặn xx lần/tuần, viết nhật ký xx lần/tháng

Bạn ý thức rất rõ những việc trên đều là những thứ tốt đẹp cho cuộc sống của bạn về lâu về dài.

Do nó tốt đẹp, nên bạn mới muốn làm.

Bạn lên kế hoạch cụ thể giờ nào làm việc gì, rồi bắt tay vào hành động.

1 tháng đầu, mặc dù có khó khăn để thích nghi, nhưng mọi thứ vẫn đang theo kế hoạch.

Tới tháng thứ 2, bạn bắt đầu thấy oải. Có một vài thứ vẫn đang theo kế hoạch. Có một vài thứ dần chệch khỏi quỹ đạo.

Những thứ chệch khỏi quỹ đạo bắt đầu xâm chiếm tâm trí của bạn. Bạn bắt đầu nghĩ về nó nhiều hơn.

Càng nghĩ, bạn càng thấy mình thật là thảm hại. Bạn thấy mình là một đứa lười biếng, không hoàn thành mục tiêu, yếu đuối. Một kẻ thất bại.

Mà lại thất bại hết lần này đến lần khác mới đau.

Bạn bắt đầu mất dần niềm tin vào bản thân. Bạn trở nên chán nản. Động lực, nhiệt huyết theo đó mà cũng bị bào mòn theo.

Những cảm xúc tiêu cực đó không chỉ xảy ra ở những việc bạn chưa làm tốt, mà còn lan qua những việc bạn đang làm tốt.

Rồi dần dần, bạn chán luôn những thứ đang làm tốt.

Nhiệt huyết của bạn cạn dần. Đến một ngày, bạn dừng mọi thứ. Bạn bỏ cuộc.

Kịch bản trên có quen thuộc với bạn không?

Nếu không thì thật mừng cho bạn. Nếu có, thì hãy đọc tiếp những dòng tâm sự của một người trong cuộc.

Tôi đã nhiều lần trải qua những trạng thái đó.

Nhiều lần tôi bị cuốn vào vòng luẩn quẩn: biết nhiều thứ tốt đẹp → muốn làm nhiều thứ cùng một lúc →️ thứ chưa làm tốt nhiều hơn thứ đang làm tốt →️ cảm thấy yếu kém → mất dần động lực →️ ảnh hưởng đến những thứ đang làm tốt → chán càng chán hơn → nghỉ làm hết cho khỏe → lại nhớ về những thứ tốt đẹp →️ ...

Đến đây chắc bạn đã nhìn ra vấn đề nằm ở đâu.

Dễ nhìn thấy nhất là do muốn làm nhiều thứ cùng một lúc. Nhưng đây chưa phải là nguyên nhân sau cùng. Nếu dừng ở đây, sẽ chưa thấu suốt toàn bộ vấn đề, do đó sẽ không có được giải pháp triệt để.

Nguyên nhân sâu xa hơn tôi quan sát được từ những thất bại, là không hiểu rõ hai thứ: nguồn lực mình đang có, và những điều kiện bên ngoài.

Nguồn lực đang có là sức khỏe (tinh thần & thể chất), thời gian, mức độ sẵn sàng/quyết tâm, hiểu biết về thứ muốn làm. Đây là nhân.

Điều kiện bên ngoài là số lượng và độ lớn những vấn đề đang đối mặt đến từ công việc, cuộc sống, các mối quan hệ, sự hỗ trợ. Chung quy lại chia thành 2 nhóm: các điều kiện thuận lợi và bất lợi. Đây là duyên.

Nhân duyên hội tụ, kết quả mong muốn mới xảy ra.

Nhìn lại những lần thất bại, nguyên nhân sâu xa nhất là do tôi đặt mục tiêu hoàn toàn dựa vào ý muốn chủ quan, chứ không dựa trên nền tảng hiểu rõ những nhân duyên đang có.

Mục tiêu không dựa trên thực tế, rất khó để nó có thể thực thi đến nơi đến chốn.

Lúc đó tôi chưa ý thức được dù rằng có rất nhiều việc làm tốt đẹp, bản thân có rất nhiều điểm cần hoàn thiện, nhưng không có nghĩa tôi phải sửa chỉnh mọi thứ cùng một thời điểm.

Điều làm tôi cứ lao vào việc hoàn thiện bản thân với đa mục tiêu, là cái bẫy tâm lý muốn trở nên hoàn hảo. Cái bẫy này là một thứ vô cùng ngọt ngào, có sức hút vô cùng lớn và thật khó cưỡng lại.

Hiện tại, tôi vẫn thấy bản thân còn nhiều sự yếu kém cần hoàn thiện. Dù rằng phần nhiều trong số ấy tôi chưa làm gì cả. Tôi đã biết chấp nhận bản thân nhiều hơn. Tôi không còn nhiều sự phán xét, đánh giá thấp bản thân rồi mất tự tin, rơi vào trạng thái chán nản rồi mất luôn động lực để đi về phía trước.

Cho đến một ngày tôi nhận ra một điều đã giúp tôi chấm dứt vòng luẩn quẩn của thất bại.

Một ngày nọ, tôi tự hỏi: nếu những mong muốn tốt đẹp như hành thiền, viết nhật ký, quản lý tài chính cá nhân.. đang không làm cho mình tốt lên, mà ngược lại đang là những tảng đá đè nặng lên tâm hồn, rồi ảnh hưởng đến những thứ đang làm tốt như là tập luyện thể thao thường xuyên, nhịp sống lành mạnh, cuộc sống nhiều màu sắc.. thì có nên giữ những thứ tốt đẹp kia trong đầu không?

Hay là nếu chưa đủ nguồn lực để làm, hãy can đảm đặt xuống những mong cầu thực hiện điều tốt đẹp, để dồn năng lượng, thời gian, tinh thần vào những thứ đang làm tốt?

Cuối cùng, tôi quyết định đặt xuống tất cả những thứ tôi muốn mà chưa đủ điều kiện để làm.

Tôi chỉ giữ lại những thứ giúp bản thân tiếp tục phát triển. Những điều giúp tôi có động lực đi về phía trước.

Còn những điều làm cản trở, làm mất động lực, tôi sẽ tạm thời đặt nó xuống, gác nó qua một bên. Cho dù đó là những điều tốt đẹp.

Những điều tốt đẹp chỉ thật sự tốt đẹp khi nó giúp chúng ta có năng lượng đi về phía trước. Khi những điều tốt đẹp trở thành một gánh nặng, nó chưa làm chúng ta tốt hơn, còn khiến chúng ta mất niềm tin vào bản thân, mất luôn động lực thực hiện những thứ đang làm tốt, đó không còn là điều tốt đẹp nữa.

Đó chỉ là sản phẩm được tạo ra bởi sự vận hành của tâm tham. Tâm tham có mặt là do si mê, không ý thức rõ ràng và đẩy đủ nhân duyên đang hiện diện.

Tạm thời đặt xuống, gác qua một bên không phải là một hành động trốn tránh hay buông xuôi. Đó một việc làm khôn ngoan xuất phát từ việc hiểu rõ bản thân đang như thế nào, có đủ nguồn lực để làm việc gì.

Để đặt xuống, bạn sẽ cần can đảm. Can đảm chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân vẫn tiếp diễn trong một thời gian nữa.

Chuyện này không dễ đâu. Nếu không tin, cứ thử xem cách mà bạn up hình lên facebook. Bạn lựa tới lựa lui một tấm ảnh mình ngon nhất để đưa lên facebôk, hay nhắm mắt chọn đại một tấm đăng lên, bất chấp mình xấu đẹp thế nào?

Hay là mỗi lần up ảnh, bạn phải xài 7749 cái app để chỉnh ảnh của mình cho thiệt hoàn hảo?

Bạn có thoải mái khi chia sẻ những khiếm khuyết, điểm yếu của mình với những người gần gũi không? Hay luôn có xu hướng che đậy?

Những hiện tượng trên không xấu. Nó chỉ là biểu hiện của việc ở sâu bên trong, bạn chưa hoàn toàn chấp nhận bản thân.

Đó cũng là một việc bình thường. Chấp nhận bản thân không phải là một món quà được ban phát ngẫu nhiên cho một số người may mắn. Chấp nhận bản thân là một hành trình. Chúng ta sẽ cần rất nhiều sự nhẫn nại, hiểu biết, công sức để đi trên hành trình này.

Vậy còn những vấn đề của bản thân, nếu không phải là trốn tránh hay buông xuôi, đặt nó xuống rồi đến khi nào thì cầm lên lại?

Có một câu hỏi tương tự: khi nào thì tôi nâng được 80kg tạ?

Câu trả lời là tùy thuộc vào mức độ bạn tập luyện thường xuyên với mức tạ hiện tại như thế nào.

Giả sử hiện tại bạn đang nâng 20kg, tương đương với mỗi bên đầu tạ là một cục 10kg. Hãy cứ nâng 20kg đều đặn, thường xuyên. Đến một ngày, tự nhiên bạn sẽ thấy 20kg trở nên bình thường, quen thuộc và bạn muốn lắp thêm vào mỗi đầu tạ một cục 5kg.

Vậy là bạn nâng 30kg. Sau một thời gian, bạn nâng lên 40kg. Rồi đến một ngày, bạn nâng được 60kg.

Mỗi vấn đề của bản thân là một cục tạ. Giả sử tổng vấn đề của bạn cộng lại là 60kg, thì bạn không cần và cũng không thể nâng 60kg lúc mới bắt đầu.

Nếu đã nhiều lần bắt đầu nâng tạ với 60kg và bỏ cuộc, sao không tháo bớt tạ ra và nâng với khối lượng nằm trong khả năng?

Sức mạnh tăng đến đâu thì lắp thêm tạ đến đó. Có gì đâu phải vội? Hơn nữa, vội thì có làm được không?

Đó là cách tôi đang áp dụng để rèn luyện bản thân. Tôi chỉ rèn luyện vừa sức với mình, giống như nâng tạ trong khả năng.

Bí quyết ở chỗ đúng, đủ, đều.

Những mong muốn tốt đẹp nhưng bản thân chưa đủ lực để thực hiện ngay, tôi gác qua một bên và không để nó lởn vởn trong tâm trí nữa.

Tôi biết ngồi thiền đều đặn là tốt, nhưng lại chưa làm được và cũng chưa thực sự quyết tâm để làm, tôi dẹp luôn chuyện ngồi thiền ra khỏi tâm trí và lịch sinh hoạt hằng ngày.

Tôi để tâm sức và thời gian vào những thứ đang tiến triển tốt, đã bắt đầu có đà và tập trung củng cố nó.

Tâm trí tôi trở nên rõ ràng, hòa hợp và tập trung vào mục tiêu hiện tại. Do đó, những thứ đang tập trung ngày càng có kết quả tốt hơn.

Cũng giống việc nâng tạ, khi đã nâng 20kg một cách nhẹ nhàng, bạn sẽ muốn nâng khối lượng lạ lên một cách rất tự nhiên.

Khi thói quen rèn luyện thể chất vào cuối ngày đã trở nên vững chắc, tự nhiên tôi muốn đi ngủ sớm hơn và dậy sớm hơn. Gần nhất là để cơ thể phục hồi tốt nhất sau khi chạy bộ. Về lâu dài, tôi sẽ muốn tận dụng khoảng thời gian dậy sớm để làm gì đó.

Dậy sớm thì làm gì đây? À, ngồi thiền, hoặc đọc sách, lên kế hoạch cho một ngày làm việc.

Và khi những việc như ngồi thiền sáng sớm lại thành một thói quen mới, tự nhiên bạn sẽ muốn có thêm một thói quen tốt khác.

Chúng ta không cần xây dựng mọi thói quen tốt cùng một thời điểm. Một thời điểm, chỉ cần tập trung xây dựng một thói quen tốt.

Một thói quen tốt được hình thành sẽ mời dậy một thói quen tốt khác.

Vòng lặp mới sẽ hình thành. Đây là vòng lặp đưa bạn đi lên một cách chậm chạp, nhưng vô cùng bền vững.

Đến một ngày nhìn lại, bạn sẽ ngạc nhiên với quãng đường đã qua.

Quãng đường ấy, đã trui rèn bạn trở thành một phiên bản khác.

Mục lục
Tuyệt vời! Next, complete checkout for full access to Chinh Dey.
Chào mừng bạn quay lại! Bạn đã đăng nhập thành công.
Bạn đã đăng ký thành viên miễn phí Chinh Dey.
Thành công! Tài khoản của bạn đã được kích hoạt, bây giờ bạn đã có thể truy cập nội dung (Refresh trình duyệt với F5).
Success! Your billing info has been updated.
Your billing was not updated.