Kỷ luật có thần thánh như bạn nghĩ?

Kỷ luật có thần thánh như bạn nghĩ?

Có một cách khác để đạt được mục tiêu, xây dựng một thói quen tốt, hay thành thạo một thứ gì đó mà cần rất ít sự kỷ luật.
7 Th03 2023 5 phút đọc

Trước đây, tui có niềm tin gần như tuyệt đối về kỷ luật, tui xem nó là yếu tố quan trọng nhất để đến đạt được mục tiêu, xây dựng một thói quen, hay thành thạo một thứ gì đó.

Còn bây giờ, tui thấy nếu chỉ dựa vào kỷ luật, tỉ lệ thành công sẽ vô cùng thấp. Ít nhất là với và đại đa số những người xung quanh mà tui quan sát được.

Tin vui: có một cách khác để đạt được mục tiêu, xây dựng một thói quen tốt, hay thành thạo một thứ gì đó mà cần rất ít sự kỷ luật. Kỷ luật chỉ là thứ yếu, nó chỉ chiếm khoảng 10%. 90% còn lại, ơn trời là một thứ khác. Mà thứ này tui bảo đảm ai cũng thích.

Tin buồn: cách này cần những kỹ thuật riêng, bạn sẽ cần thời gian để làm quen, nhưng yên tâm là không khó làm. Tui còn đảm bảo nếu bạn đã thành thạo, bạn còn mở toang cánh cửa thấu hiểu bản thân.

Hấp dẫn chưa?

Trước khi chia sẻ cách kia là gì, tui muốn chia sẻ cách hiểu của riêng mình về mối quan hệ giữa kỷ luật và mục tiêu.

Đối với tui, kỷ luật là ý chí mong muốn đạt được mục tiêu. Kỷ luật là tự khép mình vào khuôn khổ để đạt được kết quả mong muốn.

Khi nói đến kỷ luật, chúng ta ngầm hiểu rằng dù có thích hay không thích thì đến đúng giờ là triển chiêu. Ví dụ: đến 18h là thay đồ đi tập gym. Hay 5h sáng dậy ngồi thiền.

Vấn đề lớn nhất của kỷ luật là ép bản thân làm một việc gì đó lặp đi lặp lại, cho dù có thích hay không, muốn hay không muốn. Đây là vấn đề bởi vì nó đi ngược lại với nhu cầu cơ bản của con người: đi tìm cảm giác dễ chịu và tránh né cảm giác khó chịu.

Nếu bạn ép mình chạy bộ được 1 tháng và sau đó bỏ. Bạn là người thiếu kỷ luật. Bạn là người dễ bỏ cuộc. Bạn là người yếu đuối. Lỗi hoàn toàn là ở bạn.

Nếu bạn cảm thấy tội lỗi như trên, thì bạn và tui giống nhau. Đã một thời gian rất dài tui luôn tự trách bản thân và thấy mình thật kém cỏi khi làm điều gì đó được một thời gian rồi bỏ.

Nghĩ mình kém cỏi là sai. Vì vấn đề không phải ở bạn, hay nhận thức của bạn, hay nhân cách của bạn. Vấn đề nằm ở cách tiếp cận và cách thực hiện sai.

Vấn đề là bạn chưa biết cách tiếp cận khác và cách thực hiện khác, có khả năng là phù hợp với bạn hơn và tỉ lệ thành công cao hơn.

Kỷ luật không phải là không có hiệu quả và không ai thành công với việc buộc mình vào kỷ luật. Nhưng nếu nói kỷ luật là cách duy nhất để đi đến mục tiêu thì càng không đúng.

2km cuối của 21km. Lúc này là muốn lết về đích rồi.

Kỷ luật sẽ rất hiệu quả nếu như có môi trường đi kèm. Ví dụ: doanh trại quân đội. Quân đội có kỷ luật thép. Ai cũng biết rằng, đã vào doanh trại quân đội thì không có chuyện bạn thích kỷ luật hay không, có muốn kỷ luật hay không. Bạn không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo kỷ luật. Nếu không tuân theo, bạn sẽ được vừa khóc vừa phải tuân theo.

Ngoài cuộc sống thì khác hoàn toàn. Không có ai ép bạn phải rèn luyện thể thao. Không ai phạt bạn nếu như bạn không tuân thủ kỷ luật.

Ngoài cuộc sống, nếu bạn muốn xây dựng một thói quen tốt, đó hoàn toàn là một sự lựa chọn của bạn.

Đã là sự lựa chọn, bạn hoàn toàn có thể chọn làm hoặc không làm.

Kỷ luật cũng phải là thứ tự nhiên bạn có sẵn. Mà cũng phải rèn luyện từ từ để có như thói quen. Vậy thì vào giai đoạn đầu, bạn đào đâu ra kỷ luật để ép buộc bản thân làm một thứ gì đó trong thời gian dài?

Thử hướng tiếp cận kỷ luật là hệ quả tất yếu của một thói quen xem thế nào nhé. Ví dụ khi bạn đã quen thuộc với việc chạy bộ, cứ đến giờ là bạn háo hức xỏ giày để được chạy. Nếu xem xét kỷ luật với ý nghĩa đến giờ định trước là làm một hành động nhất định, thì thói quen đến giờ xỏ giày vào chạy có phải là một loại kỷ luật tự nhiên không?

Tại sao bạn phải tự kỷ luật ép mình làm một điều gì đó tốt cho bản thân, mà không phải là MONG MUỐN ĐƯỢC làm điều đó?

Tại sao bạn phải ép mình chơi thể thao theo kỷ luật, mà không phải là khiến bản thân MONG MUỐN ĐƯỢC chơi thể thao?

Hãy nhớ về những thứ bạn thích làm, bạn có cần kỷ luật để khiến mình làm việc đó không?

Tui lấy ví dụ này hơi cực đoan, nhưng đúng bản chất vấn đề: một người hút thuốc quen rồi thì họ có cần kỷ luật để hút thuốc không? Hay họ mong muốn được hút thuốc?

Ý tui muốn nói ở đây là đầu tiêu hãy thay đổi cách tiếp cận vấn đề: khiến bản thân yêu thích và mong muốn thay vì ép buộc bản thân phải làm một điều gì đó.

Vậy làm cách nào để khiến bản thân yêu thích và MONG MUỐN ĐƯỢC làm?

Ở đầu bài, tui nói kỷ luật chỉ chiếm 10% để xây dựng thành công một thói quen tốt. Vậy đâu là yếu tố chiếm 90% còn lại?

Tui sẽ chia sẻ ở bài kế tiếp.

Mục lục
Tuyệt vời! Next, complete checkout for full access to Chinh Dey.
Chào mừng bạn quay lại! Bạn đã đăng nhập thành công.
Bạn đã đăng ký thành viên miễn phí Chinh Dey.
Thành công! Tài khoản của bạn đã được kích hoạt, bây giờ bạn đã có thể truy cập nội dung (Refresh trình duyệt với F5).
Success! Your billing info has been updated.
Your billing was not updated.