Đang tán gẫu trong buổi họp team, một bạn mới hỏi 'hành thiền là auto viết hay hả anh?'. Lúc đó trả lời nhưng còn sơ xài, nên tối hôm đó ngồi gõ điện thoại viết chơi đăng facebook, ai ngờ viết một lèo gần 2000 chữ. Đã vậy thì chăm thêm chút nữa rồi đưa lên blog luôn.
Trước khi trả lời cho câu hỏi trên, tôi muốn chia sẻ một chút.
Tôi trả lời cho câu hỏi này không phải với tư cách một người viết hay. Vì viết hay hay không để cho người đọc cảm nhận, chứ ai lại nhận vơ vào mình. Xấu mặt chết. 😁
Tôi liều mạng trả lời, vì câu trả lời không phải hướng dẫn kỹ thuật viết hay. Thật tình thì tôi không biết kỹ thuật viết lách gì đâu, cứ viết thôi.
Cái tôi muốn nói nằm ở góc độ khác. Và tôi nghĩ rằng với góc độ này bạn sẽ thấy mình ở trong đó. Trong bạn đã có sẵn một số điều kiện để viết - hay hay không chưa bàn - nhưng chắc chắn mang chất riêng của bạn.
Chất riêng của bạn là thứ người khác sẽ nhớ đến.
Bây giờ, bắt đầu nhé. 🚀
Chánh Niệm
Hành thiền là một cách để khai mở tâm trí, một cấp độ cao hơn là khai mở trí tuệ. Tất nhiên bạn phải hành thiền đúng. Không riêng thiền, bất cứ phương pháp nào ứng dụng sai cách đều dễ đi xuống hố. Chưa kể thiền là một phương pháp có khả năng lập trình lại hệ điều hành TÂM THỨC của bạn. Tu chơi chơi, tu tài tử thì không sao. Còn tu gắt củ kiệu mà tự tu tự mò, không có minh sư hướng dẫn thì đi sai đường rồi lạc luôn trong đó hồi nào không hay.
Có những phương pháp khác để tâm trí bạn được khai mở. Phương pháp nào phù hợp với bạn thì cứ làm.
Thiền thì có trăm loại, nhiều lắm. Phương pháp thiền mà tôi thực hành là thiền Chánh Niệm. Một loại thiền có nguyên lý đơn giản là ghi nhận thực tại nơi thân và tâm, ngay trong khoảnh khắc này, với một thái độ đúng đắn. Đơn giản nhưng không dễ thực hiện. Còn vì sao không dễ xin chia sẻ ở một bài viết khác.
Khi thực hành thiền Chánh Niệm, bạn quan sát sự vận hành thân tâm và tương tác qua lại của nó. Càng quan sát bạn càng thấy nhiều sự thật về chính bạn, do đó bạn có xu hướng ngày càng hiểu chính mình.
Chúng ta tuy tính cách có khác, ưu nhược có khác. Nhưng đó là khác biệt về mặt biểu hiện. Còn về bản chất, chúng ta không khác.
Nỗi buồn, giận dữ, sợ hãi, tham lam, ghen tị, đố kị, cô đơn, thất vọng, tự mãn, tự ti... không chỉ xảy đến với riêng bạn.
Sự bao dung, yêu thương, quan tâm, đồng cảm, quyết tâm, kiên nhẫn, hào sảng, can đảm... không phải đặc quyền chỉ mình bạn mới có.
Cái nóng, cái lạnh, tê tê, ngưa ngứa, rần rần, nặng nề, nhẹ nhõm và mọi cảm giác khác trên cơ thể, bạn trải nghiệm giống như toàn bộ những con người còn lại trên thế giới này.
Khi hành thiền, bạn quan sát những hiện tượng đó trên chính thân và tâm của bạn. Bạn thấy sự tác động qua lại giữa thân và tâm. Do đó, bạn ngày càng hiểu về mình, hiểu về những quy luật tự nhiên đang xảy ra bên trong bạn.
Khi càng thấy được nhiều quy luật tự nhiên diễn ra bên trong bạn, bạn sẽ hiểu quy luật tự nhiên đó không chỉ diễn ra với một mình bạn. Đã là quy luật tự nhiên, nó sẽ diễn ra với tất cả, không có ai là ngoại lệ.
Giống như chạm vào lửa sẽ bỏng. Không quan trọng đó là ai. Đó là quy luật tự nhiên.
Đây là lúc bạn bắt đầu hiểu về người khác một cách tự nhiên.
Bạn càng hiểu mình bao nhiêu, bạn càng dễ hiểu người khác bấy nhiêu.
Bạn càng hiểu người khác bấy nhiêu, bạn càng dễ cảm thông và chấp nhận họ bấy nhiêu.
Đó là con đường mà thiền giúp bạn dần dần được khai mở tâm trí, và trở nên sâu sắc hơn. Sự sâu sắc là nguyên liệu cực tốt để bạn viết. Nguyên liệu này bạn có thể tự bào chế trên chính thân và tâm của bạn. Không mất tiền, không phải đi ra bên ngoài để tìm kiếm.
Một cách khác là bạn có những trải nghiệm sâu sắc trong cuộc sống.
Có mặt trọn vẹn
Muốn có trải nghiệm sâu sắc thì đầu tiên phải trọn vẹn, hết mình với thứ mà bạn đang tham dự.
Thứ mà bạn đang tham dự không chỉ là công việc giúp bạn xây dựng sự nghiệp, danh tiếng, kiếm tiền, cứu nhân độ thế đâu.
Thứ mà bạn đang tham dự - nói đúng hơn là bất cứ đối tượng mà bạn đang tiếp xúc: rửa chén, quét nhà, giặt đồ, nói chuyện với bạn bè người thương, đi dạo, nghe nhạc, đọc sách, chạy xe, ngắm cây cối trời mây, ăn uống.. bất cứ một điều gì khi bạn tiếp xúc, bạn đều tiếp xúc trọn vẹn và hết lòng với nó.
Trọn vẹn và hết lòng với một đối tượng, hiểu theo kiểu hiện đại là làm việc đơn nhiệm chứ không phải đa nhiệm.
Nhưng đơn nhiệm vẫn chưa đủ, mà bạn cần đặt trọn tâm trí vào đối tượng đó, càng nhiều càng tốt.
Thử một lần, bạn hoàn toàn lắng nghe người đối diện. Lắng nghe thật tâm, chứ không phải lắng nghe theo kiểu kỹ năng. Chỉ lắng nghe, không phải vừa nghe phân tích suy luận, rồi suy nghĩ sẽ phản biện như thế nào, đưa ý kiến ra sao.
Thử một lần, bạn đi dạo thì chỉ thong dong đi dạo. Không nghe nhạc, không nhắn tin. Chỉ đi dạo, cảm nhận những thứ đang diễn ra bên trong thân và tâm, thưởng thức những thứ diễn ra xung quanh..
Thử một lần rửa chén mà tận hưởng nó, chứ không vừa làm vừa khó chịu, làm mà đá thúng đụng nia, mặt lớn mặt nhỏ xem sao.
Thử xem, điều gì sẽ diễn ra.
Bạn sẽ thấy thứ trước giờ luôn hiện diện nhưng bạn chưa bao giờ được thấy.
Khi tiếp xúc trọn vẹn, khả năng cảm nhận tinh tế sẽ dần được khôi phục. Bạn 'bắt' được nhiều tín hiệu vi tế từ môi trường xung quanh. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để bạn viết lại.
Kế đến là thật sự dấn thân.
Lúc này, cho dù kết quả thành hay bại, đúng hay sai không còn quan trọng nữa. Một khi bạn đã toàn tâm toàn ý, thì không thiếu chất liệu để bạn kể lại. Chỉ cần kể lại câu chuyện của bạn với cảm nhận chi tiết và trung thực là đủ để 'chạm' đến người khác rồi.
Điều quan trọng là bạn có thứ để kể lại.
Còn vì sao đúng sai không còn quan trọng? Vì qua 10 năm, 20 năm nhìn lại, dù là đúng hay sai, nó đã kết nối với nhau tạo nên con người của bạn bây giờ, với những trải nghiệm như vậy.
Như Steve Jobs nói là 'connecting the dots'. Đúng và sai chỉ là những cái chấm để dẫn bạn đến ngày hôm nay mà thôi.
Một câu chuyện thất bại hay sai lầm, rồi bạn đứng lên từ đó có khi lại truyền cảm hứng và 'chạm' đến trái tim người đọc mãnh liệt hơn nhiều so với một câu chuyện thành công không tì vết.
Mà nếu không sai lầm, không thất bại có thể cái đúng của bạn không trọn vẹn đâu, có khi cái đúng đang rất phiến diện đấy.
Tôi gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại khi mới bắt đầu làm công việc tự động hóa và tích hợp hệ thống. Khi hướng dẫn cho những bạn đi sau, những khó khăn tôi gặp phải các bạn không gặp nữa. Cho nên các bạn đi nhanh hơn, thuận lợi hơn, ít khó khăn hơn.
Bù lại, tôi có cảm nhận, khả năng phán đoán và bản lĩnh giải quyết sự cố tốt hơn. Bởi vì tôi đã đi xuyên qua những cái sai, những cái không đúng, những cái không phải là tốt nhất để tìm ra cái đúng và cái hợp lý.
Khi đã đi qua cả hai mặt đúng và sai, bạn không chỉ biết con đường nào dẫn đến cái đúng, mà biết cả những con đường dẫn đến cái sai. Đây là một kinh nghiệm rất hữu ích để dìu dắt người khác đi qua con đường mà bạn đã đi.
Những kinh nghiệm này là một nguồn nguyên liệu quý giá để bạn viết xuống.
Bắt đầu viết xuống
Điều tiếp theo, là viết xuống. Muốn trúng số thì ít nhất phải mua vé số. Muốn viết hay thì bước đầu tiên là chịu khó viết.
Hãy tận dụng mọi lúc có thể để luyện viết.
Một tin nhắn cần phải hồi đáp cho tường minh là tôi đã bắt đầu sắp xếp ý tứ, câu chữ, trình tự trước sau, sử dụng liên từ để nối câu nối ý, phẩy ở đâu chấm như thế nào, khi nào thì cần ngắt đoạn để tạo điểm nhấn, tông giọng như nào.. để cho ra một thông điệp mà người bên kia đọc vào thật là dễ hiểu, cảm thấy chặt chẽ logic, đầy đủ thông tin.
Soạn email, viết status facebook, mô tả task, báo cáo lỗi, đề xuất tính năng.. với tôi thì có rất nhiều cơ hội để luyện viết kiểu live action.
Cứ chịu khó làm từng thông điệp nhỏ như vậy là khả năng viết của bạn sẽ cải thiện rất nhanh.
Đây không chỉ là chuyện luyện viết, mà rộng hơn là trui rèn khả năng diễn đạt hướng đến người đọc bằng con chữ. Sao cho người đọc hiểu đúng & đủ một cách dễ dàng. Không dễ đâu nhé. Một ngày nào đó bạn để ý xem trong những tin nhắn bạn gửi đi tỉ lệ người bên kia hiểu nhầm là bao nhiêu.
Làm tốt từng thông điệp nhỏ, sau này bạn sẽ từ từ ghép từng đoạn nhỏ đó để thành những bài viết 1000 chữ, 2000 chữ, 3000 chữ, 6000 chữ và hơn thế nữa.
Cứ luyện tập từ từ bạn sẽ có khả năng viết dài. Nhưng không phải cứ viết dài là hay đâu, tôi không có ý đó. Ngắn hay dài gì cũng được, quan trọng là thông điệp được truyền tải trọn vẹn.
Lúc mới bắt đầu viết, đừng cố gắng viết hay, mà hãy cố gắng viết thật những suy nghĩ và cảm xúc có trong tâm trí bạn lúc đó.
Đừng cố gắng viết hay để rồi viết khác đi sự thật đang diễn ra bên trong bạn. Như vậy bạn sẽ không thể nào viết được, vì đang làm một điều trái với tự nhiên.
Bên trong đang đau khổ muốn chết đi sống lại mà cố viết về tây phương cực lạc?
Bên trong đang vô cùng phẫn uất mà cố viết về một sự an yên tĩnh tại?
Bên trong đang chết mê chết mệt một thứ gì đó mà tỏ ra hững hờ gió thoảng mây bay?
Không được đâu.
Bạn cứ thử viết những thứ đang thực sự diễn ra trong tâm trí bạn đi, câu chữ sẽ tự tuôn chảy ra mà bạn không cần phải nghĩ. Vì bạn đang tường thuật lại một sự thật đang diễn ra bên trong bạn.
Bạn đang kể lại, chứ không sáng tác điều gì hết.
Xây dựng vốn liếng từ vựng
Đó là những điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là bạn phải có vốn từ vựng đủ phong phú để tùy nghi sử dụng.
Mà để có vốn từ thì cách đơn giản là đọc sách nhiều vào.
Trong bất cứ một quy trình xử lý thông tin nào, đều có 3 giai đoạn:
Input ⟶ process ⟶ output.
Chuyện viết lách cũng vậy.
Việc bạn trải nghiệm, đọc sách là input. Sau đó tâm thức sẽ process để cuối cùng cho ra output là bài viết.
Việc đọc vừa mở rộng kiến thức & góc nhìn của bạn, vừa làm cho tâm trí nạp từ vựng & văn phong một cách âm thầm lặng lẽ.
Không chỉ vậy, việc đọc sách còn tưới tẩm những hạt giống tương ứng trong tâm thức của bạn.
Không tin, bạn mua hết bộ truyện của Nguyễn Ngọc Tư về đọc hẳn sáu tháng xem, rồi bạn viết có ra đặc sệt phong cách Nam Bộ dạt dào tình người mà hay phảng phất nét buồn không?
Không tin, bạn đọc sách của sư ông Làng Mai một năm đi, xem sau đó văn phong của bạn có theo hướng đầy ắp chất liệu nuôi dưỡng sự tỉnh thức, hạnh phúc và lý tưởng cao đẹp không?
Nhưng đừng sợ là bạn sẽ trở thành một bản sao. Không dễ đâu.
Một phần là văn phong của người khác rất khó bắt chước một cách hoàn toàn. Văn phong đi từ con người họ mà ra, đi từ những phẩm chất tâm họ có mà ra.
Phẩm chất tâm là gốc, viết ra là ngọn.
Một phần là khi nạp vào bạn, nó sẽ kết hợp với trải nghiệm và con người của bạn để ra một thứ khác mang dấu ấn của bạn.
Trừ phi bạn cố công bắt chước thì không nói.
Cuộc sống này là một dòng chảy luôn tiếp nối. Tiếp thu tinh ba từ người đi trước, chuyển hóa thành chất riêng của mình rồi cho ra một thứ khác là một chuyện tự nhiên. Giống như cây hấp thụ ánh nắng, carbon dioxide, dưỡng chất từ đất, nước, hơi ấm.. để cho ra oxy vậy.
Nói oxy là ánh nắng thì không đúng. Nhưng nói oxy không có ánh nắng trong đó cũng không đúng.
Bạn không cần phải là một sự khác biệt hoàn toàn, bạn chỉ cần là một sự tiếp nối khác dù chỉ 1% là cũng đủ rồi.
Muốn hay nghĩ mình khác biệt 100%, chỉ là một sự ảo tưởng mà thôi.
Và điều cuối cùng.
Viết hay không phải là bạn
Dù bạn có viết hay hay dở, nhớ rằng đó không phải là bạn, hay tài năng của bạn. Mà đó là do phẩm chất tâm đang có mặt trong bạn quyết định.
Một lần nữa, phẩm chất tâm không phải là thứ bạn có thể kiểm soát 100%. Phẩm chất tâm của bạn phụ thuộc vào sự chăm bón của bạn một phần, tình trạng hiện tại một phần và môi trường xung quanh tưới tẩm một phần.
Cứ xem tâm của bạn như một khu vườn. Khu vườn đang nhiều cỏ hay nhiều hoa trái? Đó là tình trạng hiện tại. Bạn có thường xuyên làm cỏ, tưới cây không? Đó là sự chăm bón của bạn. Nắng mưa là môi trường xung quanh.
Để có hoa trái, sự cố gắng của bạn là yếu tố không thể thiếu, nhưng rõ ràng không phải là yếu tố quyết định duy nhất.
Phẩm chất tâm của bạn cũng vậy, nó cũng tuân theo tiến trình nhân duyên quả. Nhân là sự cố gắng của bạn, duyên là yếu tố bên ngoài.
Nên hãy biết gieo nhân phù hợp và tùy duyên khéo léo để có trái ngọt bạn nhé.
Khi khu vườn tâm thức của bạn đã gọn gàng ngăn nắp, đầy ắp hoa thơm trái ngọt, thì bạn chụp kiểu gì mà không ra ảnh đẹp.
Tự bạch
Những điều tôi viết ra trên đây, có những thứ đã làm được, có những thứ đã làm được và tạm thời không còn làm được nữa, có những thứ đang làm, có những thứ chưa làm được.
Tôi suy nghĩ nhiều khi viết theo kiểu chia sẻ kinh nghiệm và có một chút hướng dẫn mang tính định hướng như thế này.
Một thời gian dài tôi nghĩ rằng không nên chia sẻ những thứ ĐÃ TỪNG làm được. Bây giờ tạm thời không còn làm được nữa thì thôi, đừng chia sẻ làm gì. Người ta hỏi bây giờ có làm được không há miệng mắc quai thì sao.
Nhưng nghĩ như vậy không đúng cho lắm.
Một người đã leo lên đỉnh núi. Sau khi xuống núi, vì nhân duyên điều kiện mà chưa thể lên núi trở lại, thì người đó có nên chia sẻ con đường lên đỉnh núi cho người khác không?
Không nên chia sẻ gì hết, tiếp tục giữ im lặng cho đến khi nào leo được trở lại. Mà khi nào là khi nào? Lỡ ngày mai cái chết ghé thăm thì sao?
Hay là cứ chia sẻ con đường lên núi, để ai leo được đến đâu thì leo, rồi tới đó sẽ có người hướng dẫn họ bước tiếp?
Giờ thì tôi chọn cách thứ hai.
Đợi đến khi hoàn hảo rồi mới chia sẻ, bao giờ cho đến ngày xưa?