Vị thầy nên theo
Thiền sư Khanti, trụ trì thiền viện Thi Han Chve ở Taungyi, Mandaylay, Myanmar. Tôi hay gọi ngài là thiền sư ông ngoại vì sự hiền từ, bao dung và kham nhẫn vô bờ của ngài dành cho thiền sinh.

Vị thầy nên theo

Muốn biết người đó có nên theo hay không, hãy nhìn vào lối sống, lịch sinh hoạt, những cái họ làm hằng ngày, thái độ của họ khi làm việc đó.
11 Th08 2023 8 phút đọc

Hôm trước, trong lúc nhắn tin qua lại, bạn mới hỏi:

Làm sao để biết một vị thầy nên theo?

Tôi may mắn có thời gian được học và ở cùng với các vị thầy là những bậc chân tu, giới đức trong sạch. Trong những vị đó, chỉ có hai vị là nổi tiếng. Còn lại, là những vị như những bóng cây cổ thụ trong rừng sâu. Lừng lững, cao vút, bình an, mát mẻ. Là nơi trú ngụ an lành của biết bao chim muôn khỉ sóc. Mà đại thụ ở trong rừng sâu, thì không mấy người đến để mà biết.

Tôi cũng quan sát cuộc sống xung quanh mình. Quan sát một số vị diễn giả được học viên gọi là thầy từ cách đây 11, 12 năm. Cứ vài ba năm lại rộ lên một "trend", và các vị diễn giả mọc lên như nấm. Vàng thau lẫn lộn.

Khi một trend đi qua, hầu hết trong số đó cũng như bóng chim bay qua hồ, không để một gợn sóng.

Nói vậy không phải để khoe, mà tôi chỉ muốn bạn đọc hiểu được tôi có một thời gian quan sát cũng kha khá, có dịp theo học với các thầy vài ba năm, nên góc nhìn của tôi tuy không phải là đại diện, là đúng hoàn toàn, nhưng dựa trên một số cơ sở thực tế nhất định. Tuyệt đối không phải là loại vọng ngôn, nghĩ sao nói đó.

Hôm đấy tôi trả lời có vài câu thôi. Hôm nay viết chia sẻ với mọi người, tôi sẽ nói dài dòng hơn. Cứ coi như là ngồi uống cafe nói chuyện với nhau.

Không chỉ là thầy, mà nhìn người ngoài đời cũng thế. Họ nói hay là một chuyện. Những điều họ thể hiện trên mạng xã hội là một chuyện. Cách họ thể hiện mình trước đám đông là một chuyện. Những điều đó có thể là chính con người họ. Cũng có thể họ chỉ đang diễn. Hoặc như một cái máy phát thanh, chỉ nói lại những thứ nghe được, chứ chưa có kinh nghiệm thực chứng về việc đó.

💡
Muốn biết người đó có nên theo hay không, hãy nhìn vào lối sống, lịch sinh hoạt, những cái họ làm hằng ngày, thái độ của họ khi làm việc đó.

Ví dụ: nếu bạn muốn học một lối sống cân bằng, nghĩa là nếu bạn xem công việc là quan trọng, thì những điều khác như gia đình, sức khỏe, sự cống hiến cho đi, cũng quan trọng không hề ít hơn. Như vậy, bạn cần tìm người ít nhất là đang thực hành lối sống đó, hoặc tốt nhất là đang sống như thế.

Còn những người chỉ có nói về lối sống cân bằng mà nhìn vào cuộc sống của họ chỉ thấy suốt ngày đi dạy về lối sống cân bằng, không có khoảng thời gian cho những hoạt động khác. Người đó mới chỉ là đài phát thanh. Họ có khả năng tổng hợp thông tin thay cho bạn. Nhưng thông tin có đúng hay không thì bạn phải tự kiểm chứng. Và nếu muốn họ đồng hành, dẫn dắt cho bạn thì xin chia buồn, bạn đã trao niềm tin nhầm người.

Biết là một chuyện, còn làm được là một chuyện khác.

Khoảng cách giữa biết và làm được là một hành trình. Dài hay ngắn tùy thuộc vào sự đầu tư thời gian công sức vào hành trình đấy.

Những vị thầy mà tôi may mắn được học, họ có một điểm chung:

Nói những gì họ làm, và làm những gì họ nói.

Có những vị, làm nhiều hơn là nói. Lại có những vị, làm là chính chứ không mấy khi nói.

Cái làm tôi dẹp bỏ hết cái tôi để quỳ dưới chân các ngài, là do những hành động vì người khác ngày qua ngày. Một cách nhẫn nại, âm thầm. Không cần ai tán dương, không cần ai ghi nhận.

Việc nói đóng góp ít trong sự quy thuận của tôi với các ngài lắm.

Đó gọi là thân giáo.

Còn nói nhiều, rất dễ rơi vào trường hợp bị tâm trí lừa. Hầu hết mọi người đều nghĩ mình kiểm soát được tâm. Không đâu, đa số đều bị tâm giật giây mà tưởng là đang điều khiển nó. Người ta cũng rất dễ tự lừa dối mình. Nên nhiều trường hợp, không phải là họ đang diễn, mà họ đang sống thật với suy nghĩ của họ. Chỉ có điều, tâm trí đang lừa họ bằng suy nghĩ mà thôi.

Những thứ mà chúng ta làm đều đặn thường xuyên, đó mới là những thứ chúng ta thật sự tin. Đó mới là những điều chúng ta thực sự coi trọng. Đó mới là sự thật về chính chúng ta.

Đó cũng là cách để đánh giá chính mình, xem một điều gì đó có thật sự quan trọng với mình hay không.

Nếu nói đồng hành cùng con là quan trọng, vậy mỗi ngày xem lại mình dành bao nhiêu thời gian cho con. Lúc bên cạnh con có toàn tâm toàn ý với con không, hay chỉ là cái thân ở đó, còn tâm vẫn ở những niềm vui khác. Con ở nhà với mình 2 ngày cuối tuần có mong đến thứ 2 tiễn tụi nhỏ tới trường, để mình tha hồ tung hoành với công việc của mình không.

Nếu nói tập thể dục là quan trọng, vậy hàng tuần dành ra bao nhiêu buổi để tập. Mỗi buổi dành ra được bao nhiêu tiếng. Những con số đó sẽ nói lên sự thật về thứ bạn đang THỰC SỰ coi trọng, hay bạn chỉ mới NGHĨ LÀ quan trọng mà thôi.

Nếu muốn biết vị thầy mà mình muốn theo thực sự tin tưởng vào điều gì, hãy quan sát kỹ lưỡng họ dành thời gian cho cái gì.

Nhìn về mình, tôi nghiệm ra điều này: cái gì quan trọng, sẽ tự thu xếp thời gian để làm. Cái gì không quan trọng, sẽ viện lý do. Chết ở chỗ dù tự bịa ra lý do để không làm, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình coi trọng việc đó. Chỉ là chưa đến lúc tôi làm mà thôi.

Một vấn đề nữa với các vị "thầy", những người chia sẻ là vì thiếu kiên nhẫn, thiếu sự kham nhẫn đào luyện cho đến lúc mình thực sự "chín", mà vội ăn trái lúc còn non. Vội đi chia sẻ khi còn quá sớm. Nhiều khi mới học được một vài khóa học ngắn hạn, lượng kiến thức còn chưa kịp thẩm thấu đã vội vàng đi trao truyền cho người khác.

Trong phần lớn trường hợp, thứ mà họ trao truyền chỉ là góc nhìn phiến diện đứng trên nền tảng từ những kinh nghiệm và góc nhìn cũ trước đó với điều kiến thức vừa được tiếp nhận.

Nếu chưa đi đến cuối con đường, chúng ta sẽ không biết mình còn sai ở chỗ nào.

Nếu bạn vừa mới biết bơi sau 2 tuần 1 tháng luyện tập, mà vội đi dạy người khác bơi. Cho dù bạn dạy cho người khác bơi được, thì đó cũng là bơi sai kỹ thuật. Không có chuyện kỹ thuật bơi của bạn được hoàn thiện trong một tháng. Nếu bạn bơi không đúng kỹ thuật, bạn không thể hướng dẫn cho người khác bơi đúng.

Sơ tâm (tâm ban đầu) thì hầu như ai cũng tốt, tôi thừa nhận điều này. Nhưng khi chưa đào luyện đủ, trải nghiệm đủ trong lĩnh vực muốn chia sẻ mà vội bung ra, người ta rất dễ quên sơ tâm ban đầu.

Khi đã được nếm vị ngọt của sự ngưỡng mộ, sự tán dương, tiền tài danh tiếng từ những điều mình chia sẻ. Hầu hết sẽ ngây ngất ngất ngây. Phần lớn trong đó sẽ bắt đầu tập trung vào việc chia sẻ mà quên đi sơ tâm - mục tiêu ban đầu: việc chia sẻ chỉ là một phương tiện để tạo thêm nguyên liệu làm dày trải nghiệm của mình. Mình vẫn đang trên con đường, chứ chưa có đi xong.

Phần lớn những người chia sẻ mà tôi quan sát, đều không vượt qua được ải này. Đây chính thức là lúc sơ tâm nhường ngai cho vị vua mới: cái tôi lẫy lừng.

Đó cũng là khởi điểm của giai đoạn thoái trào.

Vậy nên để tìm một vị thầy để đi theo, nhìn vào lối sống, lịch sinh hoạt, những việc thường làm, thái độ khi làm là nhìn vào chất lượng. Còn nhìn số năm kinh nghiệm là nhìn vào số lượng.

Có những thứ phải đủ lượng chất mới đổi. Lõi cây đại thụ trong rừng nhích từng milimet mỗi năm, chứ không ào ào như cây chuối mấy tháng trồng một lứa.

Kinh nghiệm của tôi có nhiêu đây thôi. Cũng không có gì gọi là cao siêu ghê gớm. Rất đơn giản: cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo.

Còn hành động ngày qua ngày, sẽ nói lên tất cả.

Mục lục
Tuyệt vời! Next, complete checkout for full access to Chinh Dey.
Chào mừng bạn quay lại! Bạn đã đăng nhập thành công.
Bạn đã đăng ký thành viên miễn phí Chinh Dey.
Thành công! Tài khoản của bạn đã được kích hoạt, bây giờ bạn đã có thể truy cập nội dung (Refresh trình duyệt với F5).
Success! Your billing info has been updated.
Your billing was not updated.