Thư viện trường - những cánh cửa đóng kín
Chào em,
Đã lâu không gặp, dạo này cuộc sống của em thế nào? Anh mong cuộc sống của em sẽ vui hơn, thú vị hơn, hạnh phúc hơn. Không cần nhiều, mỗi ngày một chút là đủ.
Anh đang ở Chư Sê, đang đi ké với các bạn bên đội Nhân Quả lan tỏa chương trình Văn Hóa Đọc cho vài trường tiểu học ở đây. Mấy nay đầu óc anh đóng băng, rồi nó đình công luôn, không suy nghĩ được nữa. Cũng không phải do áp lực hay khó khăn gì, chỉ là đặc thù công việc của anh luôn cần suy nghĩ tìm giải pháp nên đầu óc phải suy tính liên tục. Nên anh muốn đi đâu đó để thư giãn và làm mới tâm trí. Đúng lúc có chương trình hay ho này. Vừa được tách mình khỏi công việc thường ngày, vừa được làm công việc thiện nguyện, vừa được đồng hành cùng anh em huynh đệ thì còn gì bằng.
Một phần công việc khi xuống thăm trường là cải tiến thư viện. Mà anh nghĩ đây là công việc quan trọng và mang lại lợi ích thiết thực cho tụi nhỏ.
Thư viện trường trong ký ức của anh là những cánh cửa đóng kín. Anh nhớ mình hay đứng ngoài cửa cố gắng nhìn vào bên trong, với một ánh mắt tò mò và thèm thuồng. Đó là một thế giới bí ẩn mà anh luôn muốn bước qua cánh cửa, mở sách ra để xem bên trong đó là gì.
Hồi tiểu học thi thoảng bác thủ thư mới mở cửa cho vào, phải canh me dữ lắm. Mà được vào rồi, sách cũng không có gì ngoài vài quyển truyện thiếu nhi, còn lại đa phần là sách tham khảo, văn mẫu. Trường cấp 2 anh còn không nhớ là có thư viện hay không. Cấp 3 thì toàn sách tham khảo, thấy mà chán.
Anh nghĩ, nếu hồi đó thư viện trường mà đầy ắp sách hay, sách tinh hoa và sách về các vĩ nhân cùng với cánh cửa thư viện luôn mở, tuổi học trò của anh không chỉ có nhiều màu sắc hơn, mà anh còn thu thập được nhiều chất liệu sống hơn. Đó là thông tin đầu vào chất lượng - để khi đứng trước lựa chọn lớn đầu tiên trong cuộc đời: lựa chọn ngành học - anh có cái để mà cân nhắc.
Bản thân anh cũng loay hoay mất gần 10 năm trời mới xác định sở trường và năng lực của bản thân, rồi công việc phù hợp - môi trường phù hợp để phát huy tối đa năng lực đó. Tuy muộn, nhưng anh nghĩ mình vẫn là một đứa may mắn. Vì qua vài lần đổi nghề, cuối cùng thì anh cũng tìm được. Nhưng có phải ai cũng vậy đâu.
Anh mong tụi nhỏ sẽ không giống như tụi mình, chỉ học một mớ kiến thức vô hồn, mà không biết mình là ai, mình muốn gì, mình giỏi cái gì. Để rồi, chúng ta mất quá nhiều thời gian để đi tìm và thử sai. Cái chúng ta mất đâu chỉ là thời gian, mà còn là sự hoang mang, rồi có người còn lạc lối. Bạn bè của tụi mình bây giờ, nhiều người vẫn còn đang loay hoay với câu hỏi năng lực, sở trường, đam mê của mình thì nói gì đến chuyện sống một cuộc đời trọn vẹn và cống hiến. Chuyện này xảy ra xung quanh chúng ta, vì hướng nghiệp là một thứ gì đó thuộc về công việc của ban tuyển sinh các trường đại học. Mà nhiệm vụ của ban tuyển sinh là tuyển đủ chỉ tiêu, chứ không phải giúp học sinh tìm ra đúng năng lực - sở trường - đam mê của tụi nhỏ.
Em có biết rằng, có một loại sách có thể giúp mình dò ra được đam mê, tuyệt chiêu hoặc thấp hơn là sở thích, sở trường của mình không? Đó là sách về cuộc đời và sự nghiệp của các vĩ nhân.
Nếu một đứa nhỏ đọc về Edison, Newton, Da Vince, Pasteur, Beethoven.. mà tự nhiên thấy cuốn hút và hâm mộ đặc biệt một người trong đó, thì đó không phải chuyện ngẫu nhiên. Hạt giống về lĩnh vực của vĩ nhân đứa nhỏ hâm mộ chắc chắn mạnh hơn những lĩnh vực khác. Nếu hạt giống đó tiếp tục được nuôi dưỡng qua cấp 1, 2 và 3 thì khi đặt bút viết nguyện vọng, tụi nhỏ sẽ không còn hoang mang là mình thích gì muốn gì nữa.
Vì chuyện hướng nghiệp đã được tưới tẩm một cách khéo léo ngay từ khi còn nhỏ. Tụi nhỏ không chỉ được ảnh hưởng bởi nhân cách lớn của các vĩ nhân, mà còn được gieo những hạt giống nghề nghiệp. Mà nghề nghiệp ở đây không chỉ gói gọn trong nuôi thân, xa rộng hơn là sử dụng năng lực mạnh nhất của mình để đóng góp cho cộng đồng. Những người được gọi là vĩ nhân, không một ai trong đó sống một cuộc đời chỉ cho riêng mình. Mà họ thường là những con người cống hiến trọn cuộc đời vì cái chung.
Vừa biết năng lực mạnh nhất của mình ở đâu, vừa sống một cuộc đời cống hiến thì không ai còn có thể hoang mang được. Anh rất hy vọng là thông qua những hạt giống mà các bạn đang gieo bây giờ, 10-20 năm sau, đâu đó sẽ có những cái cây dám vút cao. Những cái cây hiểu rõ mình, dám dấn thân, dám cống hiến. Dám sống một cuộc đời lớn lao.
Đường xa vạn dặm, đây là những bước chân đầu tiên.
Thông tin về dự án Văn Hóa Đọc do team Nhân Quả (thuộc trục chính GNH) đang thực hiện: