Tánh Sutra
Hồi đó lúc còn ở trên bản Hoa Anh Đào, có lần tôi được giao trách nhiệm chăm sóc mấy con chó, và những người làm công việc đó được xếp vào "Ban Chăm Sóc Chó". Trước đó tôi cùng các anh chị em khác cũng làm trong ban chăm sóc, nhưng trông coi những công việc chung của đoàn thể. Tôi và các anh em thường xuyên được luân chuyển như vậy. Mỗi khi phải đối diện với phiền não lớn quá mà không giữ được sự bình an, thư giãn, tươi mát để đảm đương công việc nữa thì chúng tôi được thầy chuyển qua những công việc nhẹ nhàng hơn, ít phải suy nghĩ hơn. Như là làm nông, chăm sóc mấy em chó chẳng hạn. Hoặc cần thiết hơn nữa thì cho tĩnh tu 7 ngày, 10 ngày, tự thiết kế thời khóa cho riêng mình rồi chuyên tâm thực tập. Công việc đang phụ trách được giao lại cho huynh đệ khác làm thay.
Tinh thần của thầy trò xem làm việc là một cơ hội để thực tập sự tỉnh thức. Cái chính là áp dụng sự thực tập mọi nơi mọi lúc, cái lõi là phẩm chất tu tập của anh em chúng tôi chứ không phải để công việc được hoàn thành. Vậy nên khi có ai đó chệch ra khỏi quỹ đạo, nghĩa là bắt đầu có dấu hiệu đánh mất mình trong công việc, thầy sẽ mời người đó dừng lại để nhìn lại và dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, để nhanh chóng hồi phục năng lượng và lấy lại phong độ. Tất nhiên tinh thần là một chuyện, làm được hay không là một câu chuyện khác. Anh em chúng tôi lúc đó đều là những thiền sinh sơ cơ, chập chững trên con đường thiền tập nên sa vào cái bẫy mang tên công việc hoài. Dính mắc, thể hiện, bản ngã vi tế, ngoan cố, muốn hoàn thành... là những cái bẫy từ công việc mà chúng tôi vướng hoài. Nhưng không sao, đó là một phần quan trọng của của thiền tập, nếu không muốn nói là không thể thiếu. Công việc không phải là nguyên nhân phiền não, mà công việc chỉ là phương tiện để phiền não bên trong chúng tôi được thể hiện ra, qua đó anh em chúng tôi mới có thể nhìn được mặt mũi nó thế nào. Nói cách khác, phiền não nằm bên trong mỗi người chứ không nằm ở công việc. Nếu bên trong có rất ít phiền não, thì rất khó để công việc có thể mang lại phiền não.
Quay lại chuyện chăm sóc chó. Từ khi gia nhập đoàn thể, tôi toàn được giao làm những việc đại khái như điện nước, âm thanh, ánh sáng, khói lửa, ghi âm pháp thoại rồi sau đó chỉnh chọt các kiểu để ra những bài pháp thoại dâng tặng cho cộng đồng. Mỗi bài pháp thoại từ thầy quý vị nghe quý vị có thể có cảm nhận thế này thế khác, và có thể nghĩ đơn giản đó cũng chỉ là những bài pháp thoại như bao bài pháp thoại khác. Nhưng đối với tôi mà nói mỗi bài pháp thoại là cả một bầu trời kỷ niệm trong đó. Chất liệu xây dựng nên những bài pháp thoại thầy lấy từ chính cuộc sống sinh hoạt và tu tập của anh em chúng tôi tại bản. Lấy từ chính những lỗi lầm sai sót của từng đứa mà thầy để ý từng ly từng tý để uốn nắn. Đó là chưa kể để ra được một bài pháp thoại, chúng tôi cũng phải lên bờ xuống ruộng tơi tả với thầy. Thầy tôi thì siêu kỹ tính, khó dàn trời dàn đất. Thầy yêu cầu những gì đến tay công chúng phải có chất lượng tốt nhất, càng tiệm cận hoàn hảo càng tốt. Trong mỗi bài pháp thoại, là một sự gợi nhớ cho tôi về một quãng thời gian đẹp như tranh vẽ.
Ý tôi muốn nói trong đoạn trên đại khái là tôi thường làm những công việc liên quan đến kỹ thuật. Khi làm chăm sóc chó, hình ảnh tôi đập trứng xắt hành chiên cơm xào nấu trong bếp, hay hình ảnh tôi dắt chó đi dạo bờ hồ, con chó tung tăng chạy trước tôi chạy hộc tốc theo sau, xa xa là mặt trời khuất dần sau dãy núi trùng điệp, một cảnh hoàng hôn đẹp và yên bình như một bức tranh, là một hình ảnh không được thân quen cho lắm. Thầy thấy thì quăng cho một cái nhìn đầy ẩn ý, rồi chắp tay bỏ đi. Anh em nhìn thấy thì cười toe toét và không quên cà khịa một câu "bữa nay ông Giác dắt chó đi dạo bây ơi". Anh em vậy đó, hở ra là tụi nó cà khịa. Khổ chủ bị bêu riếu trước càng đông người càng tốt, mà trước mặt thầy thì tốt nhất. Vậy mà sao giờ đây tôi thèm cái cảm giác "bị" anh em bêu riếu xỏ xiên đó quá chừng. Nó đượm tình huynh đệ làm sao.
Con chó tôi hay dắt đi dạo tên là Tánh Sutra. Tên Sutra là do thầy đặt, họ Tánh là do tôi chế thêm. Anh em tụi tôi đứa nào cũng có họ Tánh trước cái tên. Ví dụ Tánh Nắng Mai, Tánh Mắt Trong, Tánh Hồn Nhiên (mà bạn này giờ đổi tên rồi, vì sau một thời gian cả thầy và anh em chúng tôi đều nhất trí rằng bạn này hồn nhiên dư rồi, không cần thêm nữa :).
Sutra thuộc giống Rockwell, mà có thể mô tả tóm tắt trong cụm từ "cao to đen, nhưng không hôi". Lông đen mướt, dữ tợn. Hồi nó mới về gây ác cảm với không ít anh chị em. Vì tụi tôi thấy nó thì thích lắm, muốn mon men lại gần ôm ấp vuốt ve làm thân. Vậy mà nó chồm lên sủa, kiểu như sẵn sàng xé xác đứa nào dám tới gần. Thầy uốn nắn nó một thời gian, rồi nó cũng thuần dần. Chắc một nguyên nhân khác nữa là được ăn đậu hủ mấy tháng trời, tôi nghĩ bụng chắc cũng có tác dụng. Tụi con trai trên bản sau mấy tháng ăn đậu hủ đứa nào cũng được chị em đánh giá là hiền lành nhu mì dễ thương hơn hẳn, nên chó cũng không ngoại lệ. Cho dù nó là chó Đức Tây Tàu gì cũng vậy.
À, do con Sutra to lớn lừng lững, tính khí lại rất hung tợn nên nó suốt ngày bị xích, thả nó ra là nó làm gỏi mấy con chó khác liền. Vậy nên mới có chuyện chiều chiều tháo xích dắt nó đi dạo.
Tôi thấy lúc nó được tháo xích để chạy chơi một cách tự do và thoải mái là lúc nó hạnh phúc nhất. Khi không còn sợi xích nào trên cổ nữa, nó là chính nó. Nó sục sạo từng bụi cây, từng mô đất, tè lên bất cứ chỗ nào nó muốn để đánh dấu lãnh thổ. Cái lãnh thổ tưởng tượng của nó, cái thứ mà nó chẳng bao giờ thật sự sở hữu. Nhưng nó là chó mà, đó là công việc của nó. Nó tràn đầy sức sống, sự say mê khi làm công việc nó được sinh ra để làm. Tuy vậy nhưng cu cậu không vì mê chơi mà bỏ tôi đi luôn. Thỉnh thoảng cu cậu quay nhìn tôi đang ở đâu, nếu thấy tôi ngồi một chỗ thì nó cũng chỉ vòng vòng quanh đấy, không đi xa khỏi tầm mắt. Có nhiều hôm tôi chỉ muốn nằm một chỗ nhìn trời nhìn mây, kệ nó muốn đi đâu thì đi. Nhưng khi nó đã cách tôi một khoảng nhất định rồi thì cứ quay lại nhìn tôi liên tục, tỏ ý muốn đi tiếp nhưng không đi được. Vậy là tôi phải nhổ neo để đi theo nó. Tội nó, cả ngày mới được tháo xích tự do có một lần, tôi muốn nó được đi chơi thoải mái.
Có những lần tôi với nó cùng chạy trên cánh đồng toàn là cỏ cao tầm ống chân. Tôi với nó chạy thi. Tôi chạy trước nó chạy sau. Cái lưỡi nó thè hẳn ra ngoài, rớt xuống một bên, thở hổn hển. Vẻ mặt Sutra hào hứng như con nít được cho đồ chơi. Tôi thấy sự hạnh phúc đầy trong mắt nó. Hay là do tôi hạnh phúc, nên tôi thấy nó hạnh phúc? Sao lại hạnh phúc nhỉ? Vì tôi đang kết nối sâu sắc với một sự sống khác. Một sự kết nối không cần ngôn ngữ. Lúc đó nó không còn là một con chó nữa, nó là một đứa trẻ. Tôi là một đứa con nít. Hai đứa nhỏ chơi đùa với nhau hồn nhiên, hết lòng, không phân biệt, không cao thấp, không thiệt hơn.
Sutra rất dễ thương. Nó to xác, hung tợn nhưng tôi cứ cảm giác nó như một đứa con nít. Có lẽ đứa nhóc Sutra sẽ mãi mãi ở một góc trong tim tôi. Hồi đó có một con chó khác cũng cà chớn lắm. Thấy Sutra bị cột, nó có vẻ cố tình chạy xung quanh để chọc tức. Kiểu như " Ê Sutra, mày ngon thì ra đây cắn lộn với tao", nó chạy tới chạy lui thách thức, tôi nhìn nó vừa bực vừa tức cười. Vậy mà lúc thấy thả Sutra ra là chạy trốn mất. Con Sutra thấy vậy thì tức lắm, chắc mối thù đó nó ghim trong bụng. Nó gầm gừ, mắt long sòng sọc rồi chồm lên, cào chân xuống đất kiểu như muốn nói "tao mà không bị xích thì mày no đòn". Ấy vậy mà con chó kia nhiều lần no đòn thật. Những lần tụi nó ẩu đả với nhau là cả đại chúng nhốn nháo cả lên.
Có lần tôi sơ suất thả con Sutra khi con chó kia ở gần đó, nó lao tới cắn con kia tôi không kịp trở tay. Lúc đó không có bạn nam nào xung quanh, chỉ có bạn nữ nên tôi đành phải bay vô ôm rồi siết cổ con Sutra. Vì chỉ có mỗi cách siết cổ làm nó ngạt thở nó mới chịu nhả, còn đánh nó thì vô ích do nó chịu đòn giỏi lắm. Nên một lúc sau thành cuộc vật lộn của hai con chó và một con người. Lần đó tôi bị lạc đạn, bị con chó kia táp cho một phát. Cũng may không phải là Sutra, phải nó cắn hôm đó chắc đi cấp cứu chứ không đùa.
Sau mỗi lần nó theo bản năng hung hăn và hận thù mà cắn lộn như vậy, là mỗi lần nó bị đánh đòn. Lúc cắn lộn thì nó hung hăng như một sát thủ. Còn lúc bị đòn thì nó ra chiều biết lỗi lắm, nằm rạp xuống đất, hai chân trước đặt hai bên mõm kiểu như ăn năn hối lỗi. Khuôn mặt, ánh mắt của nó như muốn nói "Sutra biết lỗi rồi, lần sau Sutra sẽ không vậy nữa. Đừng đánh Sutra, đừng giận Sutra". Trời ơi, lúc đó dù có giận cách mấy nhưng thấy ánh mắt hối lỗi đó thì mọi tức giận bay đi hết, và thấy thương nó vô cùng. Một con chó có thể biểu cảm như vậy sao? Tuy nhiên đánh thì vẫn phải đánh, để nhắc nó nhớ nếu nó làm một việc như thế, thì sẽ bị như thế. Mà lúc đánh nó, tôi cảm giác như đang đánh vào mình vậy. Mỗi lần vụt một roi xuống thân nó, là mỗi lần tim tôi thắt lại.
Chăm sóc tụi nó một thời gian, tôi thấy là tôi nuôi cái bụng của tụi nó, nhưng tụi nó nuôi trái tim của tôi rất nhiều. Khi nhận trách nhiệm chăm sóc tụi nó, tôi cũng nhận luôn trách nhiệm nuôi dưỡng tình thương của mình. Khi quan tâm chăm sóc tụi nó, tôi thấy một thứ tình thương ấm áp len lỏi tận sâu bên trong. Cái thứ tình cảm trong lòng đó nhẹ lắm, nhưng nó nuôi dưỡng người ta nhiều lắm. Nó làm cho tôi thấy còn có thứ để mà quan tâm chăm sóc đã là một hạnh phúc rồi. Còn có một trái tim biết thương yêu đã là một phúc lành rồi. Sống mà không biết yêu thương, với một trái tim đã khô cằn sỏi đá thì có gọi là sống không? Vậy nên nếu ai đó còn một trái tim biết yêu thương mà ít mong đợi được đáp lại, thì tôi nghĩ người đó cuộc đời đang rất đẹp và rất đáng sống. Nhận được sự chăm sóc và quan tâm của ai đó, người ta thấy ấm áp trong lòng. Nhưng khi chăm sóc quan tâm cho một đối tượng khác, người ta còn thấy ấm áp hơn. Nhận thì không phải lúc nào cũng có, nhưng cho thì lúc nào cũng được. Miễn là thật sự quan tâm và muốn nâng đỡ đối tượng khác, thì cái gì đem cho không còn quan trọng nữa. Cái đem cho chỉ là phương tiện để thể hiện tấm lòng. Bên nhận thấy ấm áp vì cảm nhận được tấm lòng, chứ có phải vì cái thứ nhận được đâu.
Sau lần thầy trò dọn khỏi bản Hoa Anh Đào, lần cuối cùng tôi gặp nó ở trường Tuệ Đức bên quận 2. Sau một tháng gặp lại, nhác thấy tôi là nó chồm lên, chân run run. Được thả ra thì nó vồ tới ôm. Hôm đó tôi lại dắt nó đi dạo xung quanh trường. Cảnh vậy bây giờ không còn là núi non hồ suối nữa, mà là những con đường nhựa với đầy nhà và xe. Sau đó, tôi lên đường qua Miến tiếp tục hành trình thực tập. Nó thì được giao qua vài đời chủ để nuôi. Sau khi quay lại Việt Nam, tôi cũng chưa gặp lại nó lần nào. Thỉnh thoảng gặp huynh đệ tôi chỉ hỏi tin tức của nó.
Thỉnh thoảng tôi nhớ về những tháng ngày năm ấy, những lúc mà tôi và Sutra cùng nhau đi dạo trên bờ hồ và tự hỏi: cuối cùng thì trong chuyện chăm sóc chó, ai nuôi ai? Người nuôi chó hay chó nuôi người.
À, cả hai bên cùng nuôi dưỡng nhau.