Sự buông bỏ trong một lần chạy
Có một điều rất đáng nói trong lần chạy 21 cây hồi chủ nhật vừa rồi.
Đầu tiên, sức bền của cơ bắp so với hồi tháng 4 chạy giải OneWay ở Vũng Tàu đã có sự gia tăng rõ rệt. Lúc chạy 21 cây ở Vũng Tàu, 3km cuối chân mỏi nhừ. Tôi phải kết hợp chạy 900m đi bộ 100m mới về đích.
Chủ nhật vừa rồi, 3km cuối chân cẳng có mỏi, nhưng vẫn rất ổn. Ổn đến mức tôi cứ muốn nhấn ga chạy nhanh hơn. Lúc đó tôi cảm nhận rõ có thể chạy luôn một mạch 25 cây, chứ không chỉ 21 cây như mục tiêu ban đầu.
Đã có lúc tôi chạy nhanh hơn, vì lúc đó đang vào trạng thái dòng chảy (flow). Có thể hình dung là cơ thể tự lướt đi như được đặt vào chế độ lái tự động. Tôi chỉ việc thả trôi theo dòng chảy đấy, rất thư thả và thoải mái.
Nhấn được một đoạn ngắn thì đồng hồ kêu tít tít, báo hiệu nhịp tim đã vượt ngưỡng mục tiêu mà tôi thiết lập theo phương pháp chạy MAF (với tôi là 150).
Lúc đấy, nếu muốn tôi hoàn toàn có thể phá vỡ kỷ lục cá nhân chạy 21 cây ở Vũng Tàu hồi tháng Tư vừa rồi. Nhưng tôi đã bỏ qua mong muốn đó, điều chỉnh tốc độ để quay về với mục tiêu ban đầu.
Có hai điều xảy ra bên trong quyết định này.
Điều thứ nhất
Khả năng buông bỏ mục tiêu phát sinh giữa chừng, xuất phát từ mong muốn nhất thời. Để buông bỏ khi không đủ khả năng và thiếu điều kiện thuận lợi thì dễ (thật ra không phải lúc nào cũng dễ, dễ là dễ hơn ý ngay sau đây). Nhưng buông bỏ trong khi thấy hoàn toàn đủ khả năng và điều kiện thuận lợi để đạt được mục tiêu mới, mà mục tiêu mới cũng có vẻ hay ho và đáng để đạt được, thì không dễ.
Khả năng buông bỏ, hay biết dừng kịp thời này là điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho điều thứ hai
Điều thứ hai
Khi không bị phân tán bởi những ý thích chinh phục nhất thời, thường được bao bọc bởi sự hào nhoáng bên ngoài, tôi có khả năng tập trung & kiên định với mục tiêu dài hạn của mình.
Mục tiêu dài hạn là biến chạy trở thành một phần cuộc sống, chạy đến khi nào cơ thể này không cho phép chạy nữa. Cách tập luyện trong giai đoạn đầu mà tôi chọn là chạy dưới ngưỡng nhịp tim theo phương pháp MAF. Mục đích để xây nền tảng thể lực, hệ cơ xương khớp, hệ tim mạch, hệ hô hấp và sức bền tâm trí được thích nghi và tích lũy một cách từ từ. Tránh tối đa chấn thương, để có thể tập luyện đều đặn và lâu dài.
Khi tôi đưa ra quyết định bỏ qua việc phá vỡ kỷ lục cá nhân, và quay về với mục tiêu ban đầu, tức là tôi đang rèn luyện đồng thời hai phẩm chất quan trọng: biết dừng đúng lúc & tập trung, kiên định với thứ mình đã chọn.
Khi có thể bỏ qua dễ dàng ý thích nhất thời, bỏ qua mục tiêu hoàn toàn nằm trong khả năng để kiên định với mục tiêu ban đầu, tôi chạm được cảm giác thực sự làm chủ cơ thể & tâm trí này. Tôi cảm nhận một sự tự do to lớn bên trong. Và tôi rất thích mình tại thời điểm đó.
Tình huống trên phản ánh một khía cạnh cuộc sống: cuộc sống vốn có rất nhiều cám dỗ hấp dẫn, luôn chực chờ kéo chúng ta ra khỏi mục tiêu ban đầu. Những cám dỗ đó mới nhìn thì có vẻ như bắt nguồn từ bên ngoài. Nhưng thực chất nó xuất phát từ bên trong mỗi người. Bản thân chúng ta luôn có quá nhiều mong muốn và luôn muốn thỏa mãn càng nhiều những mong muốn đấy càng tốt. Nếu không rèn luyện khả năng & bản lĩnh dừng lại, miễn nhiễm với những mong muốn không cần thiết, thì cuộc đời của chúng ta cứ bị kéo đi xềnh xệch theo những mong muốn đó, một cách vô định.
Bằng việc kiên trì rèn luyện biết dừng và buông bỏ những điều nhỏ, mà chuyện tôi bỏ mong muốn phá vỡ kỷ lục cá nhân là một ví dụ, dần dà chúng ta sẽ tích lũy năng lực và bản lĩnh để sẵn sàng từ chối, dừng lại, hay buông bỏ những thứ đang kéo đời sống chúng ta đi xuống, hay khiến chúng ta bị chệch khỏi quỹ đạo của những điều thực sự có ý nghĩa với bản thân, những điều luôn thôi thúc chúng ta hành động từ sâu bên trong trái tim mình.